Ở những thế kỷ trước khi nói đến các thần đồng bạn sẽ nghĩ đến việc học học rất nhanh và họ nhớ rất lâu, và bạn nghĩ rằng nó chỉ có trong chuyện cổ tích. Khi nói đến học nhanh nhớ lâu các bạn sẽ không tin và cho rằng tôi đang nói khoác. Nhưng không, nếu không tin bạn hãy đọc hết bài viết này nhé!
Mục Lục
Bản chất của việc nhớ lâu một vấn đề nào đó
Theo khoa học về não bộ, thông tin chúng ta thu nhận được lưu trữ dưới hai dạng. Trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Để dễ nhớ, bạn có thể gọi trí nhớ ngắn hạn là “trí QUÊN”, vì nó rất hay quên. Còn trí nhớ dài hạn, hãy gọi là “trí QUEN” vì nó là cái két sắt chứa những thông tin quen thuộc kiểu như tên tuổi, ngày sinh nhật của bạn.
Nếu để ý, sự khác biệt giữa trí QUÊN và trí QUEN chỉ là cái dấu mũ, trông giống mái nhà vậy. Và việc một thông tin nào đó khiến bạn nhớ mãi lý do thật đơn giản: nó đã “chọc thủng” mái nhà Trí QUÊN để vào căn phòng Trí QUEN, thậm chí chui vào một két sắt nào đó bên trong.
Có thể bạn đang háo hức muốn biết cách “chọc thủng” mái nhà đó, thậm chí cầu có cơn bão nào đó làm tốc mái. Song hãy bình tĩnh nhé, cái mái nhà trí QUÊN này rất quan trọng đấy.
Vai trò của trí nhớ ngắn hạn và mái nhà trí quên
Bạn biết bệnh mất trí nhớ chứ? Hãy tưởng tượng thế giới này tự nhiên xuất hiện một căn bệnh ngược lại và lan tỏa mạnh mẽ hơn cả đại dịch Zombie. Cứ ai mắc phải là sẽ nhớ mãi mọi thứ họ nhìn thấy tới già. Có thể bạn đang ước giá mà có đại dịch ấy thì tốt, mình sẽ học bài mau thuộc, sát giờ thi vài phút ôn cũng được. Hãy cẩn thận với những gì bạn ước! Vì giả sử bạn bị mắc căn bệnh siêu trí nhớ đó và nhìn thấy một con trâu. Nó ngoe nguẩy cái đuôi, và rồi… bịch, sản phẩm màu đen của nó xuất hiện (bạn biết là gì rồi). Với siêu trí nhớ, bạn nhớ rõ từng chi tiết trên sản phẩm, thậm chí mùi vị (à nhầm, chỉ có mùi thôi). Thứ đó không làm sao thoát ra khỏi đầu bạn, lúc đi tắm, đi ngủ, thậm chí… đi ăn.
Ôi, có lẽ tôi nên dừng lại. Chừng đó là đủ để cho thấy trí quên rất quan trọng. Trong cuộc sống, mái nhà cản nắng che mưa giúp bạn an toàn. Trong bộ não, trí quên giúp rửa trôi thông tin thừa thãi, giúp bảo vệ bộ não khỏi bị nổ tung. Song nhiều khi, đúng là có những thứ chúng ta muốn nhớ, nhớ bài, nhớ từ vựng tiếng Anh, nhớ tên của ai đó… Vậy cách nhớ lâu là gì?
Cách nhớ lâu truyền thống: mưa dầm thấm lâu
Vì tính đơn giản nên cách nhớ lâu này được truyền từ hết đời này sang đời nọ. Mưa liên tục lâu ngày, nhà cũng sẽ dột. Nếu bạn kiên trì đọc lẩm bẩm từ ngày này qua ngày khác, thì chắc chắn tới một lúc nào đó thông tin cần nhớ sẽ thẩm thấu xuyên qua mái nhà Trí QUÊN, làm ướt nhoẹt căn phòng trí QUEN. Cách nhớ lâu này nhiều người vẫn áp dụng được, họ cứ cầm sách đọc lẩm bẩm là thuộc và thi cử ngon lành. Song thực ra, nó không dành cho tất cả. Đa số thường mắc cái bẫy “tưởng như đã thuộc”, tức là lúc ôn thì chưa quên đâu, nhưng lúc thi mới quên. Chưa kể việc lặp đi lặp lại những thứ khô khan sẽ tạo cảm giác nhàm chán.
Cách nhớ lâu hiện đại: sét đánh ngang tai
Bạn có nhớ lần đầu tiên mình cho tay vào lửa không? Thế còn lần thứ hai? (Ngu gì có lần thứ hai ^^!). Có những thứ mà bạn chỉ gặp một lần, nhưng nhớ mãi như một lần nghịch dại, hoặc… mối tình sét đánh. Cảm xúc mạnh mẽ giống như tia sét, đánh thủng mái nhà trí QUÊN, kiến thức cần học tranh thủ bò vào căn phòng trí QUEN. Đây là mục tiêu của các kỹ thuật ghi nhớ siêu tốc hiện đại, tạo ra các liên tưởng hài hước, tạo ra cảm xúc vui vẻ để gây ấn tượng với não bộ. Bạn có thể tìm thấy các kỹ thuật liên tưởng để ghi nhớ trong bất cứ sách dạy ghi nhớ nào. Song đặc điểm chung là nếu bạn không tạo ra liên kết đủ ấn tượng, thì như nước đọng trên mái nhà, thông tin vẫn sẽ bay hơi.
Cách nhớ lâu của Susu
Đa số mọi người thường áp dụng một trong hai cách trên để ghi nhớ. Mỗi cách đều có ưu nhược riêng, nên tôi kết hợp truyền thống lẫn hiện đại vào làm một, để tạo ra MP3. Nguyên tắc ghi nhớ của bộ não là nó sẽ chỉ giữ lại những thông tin mà nó (chứ không phải bạn) cảm thấy ấn tượng và quan trọng. Và ba bước MP3 sẽ đáp ứng các nguyên tắc ghi nhớ đó.
Thật ra một thứ gì đó khó nhớ thì là do bạn đã chưa làm cho nó dễ nhớ, trước khi bạn bắt đầu bắt bộ não nhớ nó. Người ta nói đừng làm việc chăm chỉ, mà hãy làm việc thông minh. Trước khi lao đầu vào nhớ thứ gì đó, hãy làm cho thứ ấy trở nên sinh động, hài hước, dễ nhớ cái đã.
Như Quỳnh ATP SOFT WARE
Discussion about this post